.Chợ Chằm - Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh Chợ Âm Dương

Họp chợ

"Chợ âm dương" họp ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh: có tên gọi là "chợ Chằm". Chợ Chằm là một chợ dân sinh nhỏ, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong xã Mão Điền cũng như vùng lân cận. Bình thường, chợ không họp liên tục, mà chỉ họp ấn định vào các ngày mùng 4, 9, 14, 18, 24, 28 trong tháng, theo lịch âm. Tuy nhiên chỉ có phiên chợ tết ngày mùng 4 tháng Giêng (4/1 - âm lịch) là được gọi là "chợ âm dương".

Nguồn gốc

Bởi vì, tương truyền nơi đây trước kia cũng là nơi chiến trường đẫm máu (từ thời phong kiến xa xưa), số người chết nhiều không kể xiết. Theo quan niệm duy tâm xưa, các oan hồn này không được siêu thoát, mà bị lưu vong ở dưới địa ngục (không được đầu thai), chỉ đến dịp tết hàng năm mới được "hồn lên dương thế" quay lại nơi mình đã chết trước kia.

Chuyện kể rằng, từ sau năm có chiến tranh không lâu, người dân họp chợ ngày mùng 4 tháng Giêng hay gặp những chuyện lạ thường như: đi mua bán hay bị đưa tiền giả, mang về nhà mới biết (tiền xu bị biến thành đất, lá chuối khô,...), người dân nghi là do các oan hồn chiến sĩ đã về đi chợ mua hàng, họ trả tiền âm phủ, ở chợ có quá nhiều âm khí nên không nhận ra được. Ban đầu nhân dân trong vùng cũng nhờ thầy về cúng xua đuổi tà ma, nhưng không nổi vì âm khí quá nặng. Sau đó họ được thầy bày cho cách là khi đi chợ thì mang theo một thau nước (nhất là người bán), kiểm tra tiền chỉ cần thả vào nước là biết, nếu chìm là tiền thật, nổi là tiền giả!

Do đã có cách phân biệt tiền âm, tiền dương, hơn nữa mỗi năm người âm cũng chỉ lên có một lần, nên người ta vẫn tiến hành họp chợ bình thường.

Cho đến thời gian gần đây (thời phong kiến trước Cách mạng tháng Tám), mặc dù không mua bán được bằng tiền âm, nhưnng dường như các hồn vẫn muốn tranh thủ cơ hội lên trần đi chợ ngắm cảnh, tham quan - nên người ta vẫn thi thoảng có những câu chuyện ly kỳ chứng tỏ người âm lên trần, mặc dù thưa thớt dần đi.

Hiện tại

Cho đến bây giờ, thì người dân trong vùng đã không đi họp chợ vào ngày mùng 4 tháng Giêng nữa, coi như nhường hẳn cho người âm không gian khu chợ trong ngày đó.

Cũng chính vì có chợ Âm - Dương đặc biệt này đã kéo theo một phong tục khác là ngày hóa vàng sau dịp tết ở Mão Điền mọi nhà đều cúng vào sáng mồng 4 tết âm lịch, với ý nghĩa để linh hồn tổ tiên (cõi âm) đi chợ luôn ngày hôm đó (trong khi các địa phương khác lân cận thường cúng hóa vàng hết tết vào mồng 3 tết âm lịch, hoặc không cố định, tùy gia đình).

Liên quan